Trang chủ » Cẩm nang du lịch » Cẩm nang du lịch Hội An »
Chùa Cầu ở Hội An có gì đặc biệt?
Chùa Cầu Hội An từ lâu đã trở thành một biểu tượng du lịch phố cổ. Chùa Cầu không những đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng mà bất cứ du khách nào cũng phải dừng chân. Mà chùa Cầu còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương.
Vẻ đẹp chùa Cầu Hội An
- Địa chỉ: Tiếp giáp giữa đường Trần Phú và đường Nguyễn Thị Minh Khai.
- Thời gian mở cửa: 9h-11h; 15h-22h
- Giá vé tham quan: 80.000đ/lượt khách
Chùa Cầu Hội An hay còn gọi là cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều, mang ý nghĩa là “cầu đón khách phương xa”. Là một cây cầu nằm trong khu phố cổ Hội An, vắt ngang qua một con lạch nhỏ chảy ra dòng sông Thu Bồn thơ mộng. Đúng như tên gọi của nó, nơi đây vừa là chùa, vừa là cầu. Chiếc cầu này được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII.
Theo truyền thuyết, Chùa Cầu Hội An được coi như một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật Namazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất. Sau đó, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, nên gọi là chùa Cầu. Từ lâu hình ảnh Chùa Cầu đã được xuất hiện trên tờ 20.000 VNĐ.
Chùa Cầu Hội An có gì đặc biệt?
Kiến trúc độc đáo
Chùa Cầu Hội An là một trong những di tích kiến trúc khá đặc biệt. Chiếc cầu làm bằng gỗ trên những trụ gạch đá , dài khoảng 18m. Mái lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son, chạm trổ công phu, tinh xảo. Mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng gỗ bằng thú đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Tương truyền đây là những con vật mà người Nhật sùng bái từ thời xưa.
Chùa nhưng không thờ Phật
Tuy gọi là chùa nhưng thực chất không thờ Phật. Bên trong chùa thờ Bắc Đế Trấn Võ – một vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm hạnh phúc cho con người. Điều này thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người gửi gắm và cầu mong những điều tốt đẹp.
Minh chứng cho sự giao thoa các nền văn hoá
Hiếm có nơi nào trên đất Việt có sự giao thoa nhiều nền văn hoá như ở Hội An. Nơi đây khi xưa là thương cảng sầm uất, nơi giao lưu, trung tâm buôn bán lớn của Đông Nam Á. Chùa Cầu là minh chứng cho sự giao thoa ấy. Thể hiện đặc trưng trên ảnh hưởng kiến trúc Nhật Bản – Việt Nam – Trung Quốc.
Chùa do người Nhật xây dựng nhưng sau nhiều lần trùng tu, chùa dần mất đi kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt – Trung. Công trình vừa độc đáo, vừa hài hoà, ấn tượng.
Vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng
Với lịch sử hơn 400 năm tuổi, Chùa Cầu Hội An mang vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng. Mang đậm dấu ấn thời gian mà du khách nhất định phải một lần ghé qua. Bạn có thể khám phá nét độc đáo về kiến trúc, lễ chùa Cầu, hay check in những bức hình đặc trưng khi đến phố cổ Hội An.
Những lưu ý khi đến chùa Cầu Hội An
- Bạn cần mua vé tham quan mới có thể vào chùa Cầu. Giá vé là 80.000đ/lượt đối với khách nội địa, 150.000đ/lượt đối với du khách quốc tế. Vé tham quan này đã bao gồm 21 điểm tham quan tại phố cổ, trong đó có Chùa Cầu.
- Hàng ngày tại phố cổ có những chương trình biểu diễn đường phố từ 19h-20h30. Ngoài tham quan Chùa Cầu, bạn cũng có thể tham gia vào các chương trình này hay các hoạt động trò chơi dân gian tại phố cổ.
- Thời điểm tham quan lý tưởng là vào ban ngày, lúc này không quá đông du khách. Bạn có thể thong dong tìm hiểu và chụp những bức hình thật đẹp.
- Lựa chọn trang phục phù hợp, thoải mái. Tránh những trang phục quá ngắn khi vào chùa.
- Sau khi tham quan, bạn có thể thưởng thức các món ăn đặc trưng phố Hội như Mì quảng, cao lầu, cơm gà, bánh xèo, bánh mì Phượng,…
Chùa Cầu như một minh chứng lịch sử và mang trong mình đầy dấu ấn văn hoá, nét đẹp Hội An. Bất chấp thời gian và những biến động lịch sử, chùa Cầu vẫn hiên ngang, trầm mặc. Thu hút du khách đến chiêm ngưỡng kiến trúc và cảnh đẹp nơi đây. Nếu có dịp ghé qua Hội An, đừng quên đến thăm chùa Cầu bạn nhé!