» Cẩm nang du lịch » Cẩm nang du lịch Huế » Các ngôi chùa ở Huế đẹp và linh thiêng nhất định phải ghé thăm

Các ngôi chùa ở Huế đẹp và linh thiêng nhất định phải ghé thăm

Ngày đăng: 03/11/2022 - Đã Xem: 4692

Huế là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước. Các ngôi chùa ở Huế nổi tiếng với vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng. Hiện ở Huế có hơn 300 ngôi chùa lớn nhỏ, trong đó trên 100 chùa cổ. Hầu hết vẫn giữ được nét kiến trúc Á Đông và Việt Nam. Các ngôi chùa ở Huế không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên. Mà còn là một địa chỉ lịch sử, văn hóa và tâm linh đặc sắc. Ai đã một lần đến Huế, nhất định phải ghé qua những ngôi chùa nhỏ để lễ Phật, tham quan. 

Nét đặc biệt của các ngôi chùa ở Huế

Điều đặc biệt đối với du khách khi đến Huế, đó là đi đâu cũng thấy chùa chiền. Nơi đây từ lâu được nhìn nhận là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Việt Nam. Huế có hơn 300 ngôi chùa và niệm Phật đường. Trong đó có 215 tự viện, 3 ngôi quốc tự, 67 chùa tăng Bắc tông, 6 chùa tăng Nam tông. Đến nay, con số này được phát triển lên rất nhiều, chiếm 1/3 số lượng chùa trên cả nước.

Các ngôi chùa ở Huế rải khắp cả trong và ngoài kinh thành. Tập trung ở vùng gò đồi Dương Xuân, phía tây nam thành phố. Huế không thiếu những ngôi chùa phải leo lên tận những ngọn núi cao và cách xa khu dân cư mới thấy như Huyền Không Sơn Thượng, Thiền Viện Trúc Lâm,… Và lại có những ngôi chùa mà chỉ cần đi vài bước chân đã tới như chùa Từ Đàm, Từ Hiếu, Thiên Mụ, Diệu Đế… Tất cả đều được len lỏi vào trong cuộc sống thường nhật. Tạo nên sự sâu rộng, độc đáo và gần gũi khiến cho nơi đây bình yên đến lạ.

Nét đặc Biệt Của Các Ngôi Chùa ở Huế

Khác với hệ thống di tích cung điện, lăng tẩm nhà Nguyễn, các ngôi chùa ở Huế là một thực thể sống động và phát triển. Chứa đựng những dòng chảy văn hóa đặc sắc nối quá khứ với hiện tại, nối con người với văn hóa tâm linh… 

Các chùa ở Huế xuất phát từ những ngôi thảo am nhỏ giữa núi rừng thâm nghiêm. Sau đó trở thành cổ tự khang trang, vàng son lộng lẫy nhờ sự cúng dường từ vua quan, dân chúng. Những không gian, kiến trúc, mô típ trang trí các ngôi chùa ở Huế đều hài hòa với thiên nhiên. Ẩn chứa đằng sau những mái ngói thâm u, tường rêu cổ kính ấy là kho tàng văn hóa, lịch sử, tôn giáo đặc sắc của vùng đất và con người xứ Huế.

Các ngôi chùa ở Huế đẹp và linh thiêng bạn nên đến một lần

1. Chùa Thiên Mụ – ngôi chùa cổ kính lâu đời 

Trong các ngôi chùa ở Huế thì chùa Thiên Mụ được ví như một biểu tượng của Phật giáo. Chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương. Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa  Nguyễn Hoàng.

Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam. Ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn. Khi đi qua đồi Hà Khê, người dân cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi. Nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Hễ nói xong là bà biến mất.

Chùa Thiên Mụ - Các ngôi chùa ở Huế đẹp và linh thiêng

Từ đó, ngọn đồi được đặt tên là Thiên Mụ Sơn (núi bà Trời). Một lần đi qua đây nghe kể chuyện, chúa Nguyễn Hoàng tự nhận mình là vị chân chúa ấy. Nên cho xây dựng chùa vào năm 1601 và đặt tên là Thiên Mụ Tự. Toàn bộ các công trình kiến trúc của chùa nằm trên đồi chạy theo hướng Bắc Nam. Xung quanh chùa có vòng la thành xây bằng đá và gạch. Giống như hình dạng con rùa thò đầu xuống sông Hương để uống nước.

Hiện nay ở chùa Thiên Mụ còn có nhiều công trình và bảo vật có giá trị nghệ thuật. Tiêu biểu là Đình Hương Nguyện – một trong những công trình kiến trúc đặc biệt của thời vua Thiệu Trị. Đây là một phương đình bằng gỗ đã được trang trí hết sức độc đáo ở phần nội thất. Hay Phước Duyên Bảo Tháp – tháp được coi là tháp cổ nhất Việt Nam.

đại Hùng Bảo điện Chùa Thiên Mụ

Ngoài ra, khi đến chùa Thiên Mụ cũng không thể không nhắc đến Đại Hùng Điện đồ sộ nguy nga. Đại Hồng Chung là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng xuất sắc của Phường Đúc ở Huế. Còn có chiếc xe ô tô – di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức. Khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu,… Với những giá trị trên, chùa Thiên Mụ là nét đẹp, là linh hồn xứ Huế.

2. Chùa Huyền Không Sơn Thượng

Chùa Huyền Không Sơn Thượng nằm tại thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Hoà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nơi đây được bao bọc bởi rừng thông xanh ngút ngàn cùng những dãy núi hùng vĩ. Đây là một trong các ngôi chùa ở Huế nổi tiếng về sự linh thiêng. Chùa ra đời từ năm 1976, được chia làm 2 khuôn viên: nội viện và ngoại viện. Khuôn viên ngoại viện là sự phóng khoáng với vườn cỏ đá, thư pháp đình và ngũ hổ. Khu vực nội viện gồm có Nghinh Lương đình, Chúng Hoà đường, khu cánh điện, am mây tía, tĩnh trai đường, nhà khách, thanh tâm viên.

Chùa Huyền Không Sơn Thượng

Đặc biệt, chùa Huyền Không Sơn Thượng còn có rừng thiền, yên tĩnh và thanh tịnh. Đến chùa, bạn sẽ cảm nhận được một không gian mát mẻ, có tiếng chim líu lo, tiếng chuông chùa ngân vang. Là nơi thích hợp để bất kỳ ai có thể dừng chân, nghỉ ngơi và tu tập. Giúp xua tan đi mọi căng thẳng, ồn ào phố thị.

| Gợi ý: Tour tham quan chùa Huyền Không Sơn Thượng, chùa Thiên Mụ trong ngày

3. Chùa Từ Đàm 

Chùa Từ Đàm là ngôi cổ tự nổi tiếng của vùng đất cố đô. Trong các ngôi chùa ở Huế thì đây là nơi phát triển đạo Pháp, giữ gìn hoà bình cho dân tộc Việt Nam. Chùa cách trung tâm thành phố chỉ 3km, nằm trên dốc Nam Giao, quay mặt về hướng Nam. Lịch sử phát triển của chùa gắn liền với lịch sử Phật Giáo. Chùa đã có từ những năm 1683. Được một thiền sư người Trung Quốc khai sơn và đặt tên chùa là Ấn Tôn tự. Gần 200 năm sau đó thì chùa được đổi tên thành Từ Đàm tự.

Chua Tu Dam

Đến chùa Từ Đàm, ngoài tìm hiểu về lịch sử Phật giáo, bạn cũng có thể lễ Phật và chiêm ngưỡng cảnh quan, kiến trúc chùa. Thiết kế chùa Từ Đàm đơn giản, thoáng đãng trên diện tích 15.000m2. Nhà chùa gồm 3 phần chính: Tam quan, chùa chính và nhà hội. Điểm đặc biệt tại ngôi chùa cổ này là có cây Bồ đề được chiết ra từ cây bồ đề ở Ấn Độ nơi Phật đắc đạo năm 1936.

| Gợi ý: Các tour du lịch Huế trong ngày chỉ từ 350.000đ/người 

Chùa Từ Đàm là ngôi chùa Hội nên Hội quán được xây dựng lớn, rộng với 10 căn, cao hai tầng. Cho đến nay, chùa Từ Đàm đã trở thành một trong những trung tâm sinh hoạt của chư Tăng ni và Phật tử khắp mọi nơi trên cả nước. 

4. Chùa Từ Hiếu – cổ tự gắn với tấm lòng hiếu thảo

Chùa Từ Hiếu thuộc phường Thuỷ Xuân, thành phố Huế. Ban đầu chùa chỉ là một Thảo am nhỏ do tổ sư Nhất Định lập nên. Tên gọi của chùa Từ Hiếu bắt nguồn từ một câu chuyện cảm động. Tương truyền rằng, khi mẹ của tổ sư Nhất Định ốm nặng, ông không ngại lời đàm tiếu mà hàng ngày đều đến chợ mua cá về bồi dưỡng cho mẹ. Tới khi vua Tự Đức biết chuyện, rất cảm phục tấm lòng của ngài. Nên năm 1848 đã cho mở rộng thành chùa Từ Hiếu như ngày nay.

Chùa Từ Hiếu Huế

Chùa nằm trong một khuôn viên rất rộng khoảng 50.000m2. Kiến trúc chùa cổ kính và u tịch. Bao quanh chùa là rừng thông cao vút, hồ nước uốn lượn. Chùa Từ Hiếu có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, thanh bình và nhẹ nhàng. Đến đây, ít ai biết rằng chùa Từ Hiếu còn có nghĩa trang của 24 vị thái giám triều Nguyễn. Bởi khi xưa thái giám Châu Phước Năng đã giúp đỡ tổ sư Nhất Định trong việc mở rộng chùa. Sau này khi về già không có nơi an trú, các thái giám đã về đây tĩnh dưỡng tuổi già.

Chùa Từ Hiếu nằm trên đường dẫn đến lăng Tự Đức. Khi đến chùa lễ Phật, bạn cũng có thể kết hợp tham quan Lăng Tự Đức.

5. Chùa Báo Quốc (Chùa Hàm Long)

Chùa Báo Quốc nằm ở đồi Hàm Long, đường Bảo Quốc, Phường Đúc, thành phố Huế. Vào cuối thế kỷ XVII, chùa được Giác Phong Lão tổ khai sơn và chỉ là một thảo am. Chùa ban đầu được đặt tên theo tên núi là Hàm Long Thiên Thọ Tự (gọi là chùa Hàm Long). Năm 1747, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho mở rộng quy mô và ban tên là Báo Quốc Tự. Đây là một trong các ngôi chùa ở Huế thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa Báo Quốc Huế

Chùa được xây dựng theo kiểu chữ khẩu. Khuôn viên chùa rộng khoảng 8.000m2, có đủ tháp mộ của các vị Tổ sư. Chùa Báo Quốc mang đậm bản sắc dân tộc với những nét trang trí công phu và độc đáo. Lên chùa Báo Quốc, bạn sẽ được nghe những câu chuyện hấp dẫn về giếng Hàm Long.

Tương truyền, giếng Hàm Long có một mạch nước phun tựa như vòi rồng. Nước ngọt và tinh khiết vô cùng. Do vậy, nước ở giếng chỉ dâng lên các vua, chúa còn người dân không ai được phép sử dụng. Do đó, giếng hàm Long trở thành giếng cấm, giếng thiêng liêng của xứ Huế.

| Gợi ý: Combo du lịch Huế 3 ngày 2 đêm trọn gói chỉ từ 1.990.000đ

6. Chùa Thiền Lâm – một Thái Lan giữa lòng cố đô Huế

Chùa Thiền Lâm được mệnh danh là một “xứ chùa vàng”, một “Thái Lan” giữa lòng cố đô Huế. Chùa có vị trí đắc địa trên đồi Quảng Tế, phường Thuỷ Xuân, thành phố Huế. Chùa Thiền Lâm còn được gọi là chùa Phật đứng – Phật nằm. Chùa được xây dựng năm 1966 do ngài Hộ Nhẫn lập ra. 

Chùa Thiền Lâm Huế

Khác với các ngôi chùa ở Huế theo Phật giáo Bắc tông có cổng Tam quan. Chùa Thiền Lâm là ngôi cổ tự duy nhất theo phái Nam Tông. Kế thừa kiến trúc truyền thống Nam Tông, Chùa Thiền Lâm có cổng vào ấn tượng với màu sắc chủ đạo là màu vàng, có tháp hình xoắn ốc. Rất giống những ngôi chùa dát vàng ở Thái Lan.

Điểm nhấn của Chùa Thiền Lâm là bảo tháp được mô phỏng theo kiểu chùa Sirimagala của Myanmar. Bảo tháp trắng cao khoảng 15m có chóp đỉnh vàng chót vót. Được trang trí bằng các phù điêu, hoa văn tinh tế. Ngoài ra, khi đến đây bạn cũng có cơ hội chiêm ngưỡng những pho tượng tuyệt đẹp khổng lồ. Chắc chắn, đây sẽ là một ngôi chùa tuyệt vời để bạn có thể check in sống ảo mọi góc.

7. Chùa Diệu Đế

Chùa Diệu Đế nằm bên sông Hộ thành, trên đường Bạch Đằng, thành phố Huế. Chùa có vai trò quan trọng trong lịch sử phật giáo Huế. Năm 1844, chùa được lập ra với mong muốn là nơi cầu phúc cho dân, có quy mô đồ sộ và rộng rãi. Nơi đây cũng từng là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi. Vì gắn liền với nơi ở của Hoàng gia nên chùa Diệu Dế mang kiến trúc đặc biệt. Hoa văn trang trí đậm nét vương giả. Bên cạnh thờ Phật thì chùa còn có khám thờ vua Thiệu Trị và một số công chúa, hoàng tử.

Chùa Diệu đế Huế

Đặc biệt, đến nay chùa còn lưu giữ bức tranh “Long Vân Khế Hội” 9 con rồng ẩn hiện trong mây lớn nhất Việt Nam. Chùa Diệu Đế trở thành một điểm tham quan hấp dẫn dành cho du khách mỗi dịp đến Huế.

8. Chùa Phước Duyên

Chùa Phước Duyên nằm dưới chân đồi Rú Vi, bên bờ sông Bạch Yến. Thuộc thôn An Ninh Thượng, phường Hương Long, thành phố Huế. Chùa Phước Duyên hay còn gọi là Phước Duyên Thiền Uyển. Trước đây được biết đến với tên gọi là chùa Ốc Tiêu. Chùa được xây dựng khi nào không ai còn nhớ rõ. Sau nhiều lần bị phá huỷ, chùa được Hòa thượng Thích Đảnh Lễ xây dựng lại vào năm 1948. Chùa được thiết kế độc đáo theo hơi hướng Thái Lan, Miến điện với khuôn viên rộng rãi, trong lành.

Chùa Phước Duyên Huế

Trong các ngôi chùa ở Huế thì đây không chỉ là chốn thiền môn trang nghiêm. Mà còn là một đạo tràng chánh niệm, một trung tâm tu học của các thế hệ Phật tử tại Huế.

Những lưu ý khi đi chùa lễ Phật

  • Các ngôi chùa ở Huế là nơi linh thiêng nên bạn cần chọn trang phục kín đáo phù hợp. Nếu muốn có những bức hình đẹp, bạn có thể kết hợp với áo dài và nón lá đậm chất Huế.
  • Đến chùa, bạn cần giữ yên lặng, thái độ cung kính để tránh ảnh hưởng đến vẻ trang nghiêm, thanh tịnh của chùa
  • Nếu muốn nghe những câu chuyện hấp dẫn và tìm hiểu chùa, bạn có thể trò chuyện cùng các sư thầy
  • Bạn hoàn toàn có thể ở lại hoặc xin tu học tại một số chùa như chùa Phước Duyên, chùa Từ Đàm, chùa Huyền Không Sơn Thượng.

Có thể nói, hành hương về các ngôi chùa ở Huế là cơ hội trải nghiệm thực sự giúp giải tỏa căng thẳng. Chuyển hóa khổ đau của cuộc sống và bước đi bằng những bước chân an lạc. Đến với các ngôi chùa ở Huế, bạn không chỉ được thưởng ngoạn cảnh vườn thiền, thưởng thức ẩm thực chay Huế. Mà còn được đắm mình trong dòng lịch sử, văn hóa Phật giáo đặc trưng vùng đất Phú Xuân – Huế. 

Yêu cầu đặt dịch vụ

Vui lòng chọn đúng ngày nhận phòng & trả phòng để nhận được báo giá chính xác.

    X

    Ngày mai Chọn ngày
    - +
    - +
    - +